* "Quan tài... ăn thịt người"

19:08 |
(VTC News)Những thi thể bị bỏ vào quách sẽ phân hủy hoàn toàn chỉ trong vòng 40 ngày, mặc dù thông thường phải mất đến hàng năm.

Assos là một trong những thị trấn cổ xưa nhất tại tỉnh Çanakkale, phía Tây Bắc của Thổ Nhĩ kỳ. Thị trấn này được thành lập vào khoảng thế kỷ 10 trước Công nguyên (TCN) do những người di cư Aeolian từ Lesbos.

Thế nhưng người ta biết nhiều về Assos không phải bởi những câu chuyện lịch sử hơn 3.000 năm của nó, mà là vì một bí ẩn đáng sợ: những chiếc quách “ăn thịt người” hiện vẫn còn nằm nguyên trong khu nghĩa địa cổ nơi đây.

Nghĩa địa cổ nằm vắt ngang qua thị trấn, kéo dài từ Đông sang Tây. Hiện nay mới chỉ có khu vực nằm bên ngoài cổng thành cổ phía Tây là đã được khai quật và nghiên cứu, mà đã hé lộ ra rất nhiều điều kỳ bí.


Những chiếc quách đá được khai quật tại khu nghĩa địa cổ ở Assos có niên đại từ khoảng thể kỷ 5 TCN.

Dấu tích mai táng lâu đời nhất được tìm thấy trong nghĩa địa là những chiếc “quan tài” bằng đất sét có niên đại từ giữa thế kỷ 7 TCN. Chúng được đặt trong các huyệt mộ với phần miệng hướng về phía Đông và được đậy kín bằng một hòn đá lớn.

Những chiếc quách có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 5 TCN là những hiện vật bí ẩn và gây nhiều tranh cãi nhất. Ban đầu chúng chỉ là những cỗ quan tài đơn giản được tạc từ đá mắc-ma (andesite) với các bề mặt phẳng phiu.

Kích thước phổ biến của những chiếc quách này vào khoảng 2 mét chiều dài, chiều rộng và chiều cao tương đương nhau chừng 80-90 cm. Trọng lượng của mỗi chiếc đạt 3 tấn.


Hiện thị trấn cổ nhỏ bé này thu hút rất nhiều khách tham quan nhờ danh tiếng của những chiếc quách “ăn thịt” đầy bí ẩn.

Bắt đầu từ thời kỳ La Mã, những chiếc quách được trang trí công phu hơn với nhiều hình chạm khắc ở xung quanh, đặc biệt là có thêm một hàng chữ được tạc dọc theo thân quách để viết tên và một số thông tin về vị chủ nhân bên trong.

Đáng chú ý và cũng là đặc điểm kỳ lạ nhất, đó là những chiếc quách này có khả năng phân hủy bất cứ thi hài nào được đặt vào bên trong chúng với một khoảng thời gian kỷ lục. Người ta đã ghi nhận rằng một cơ thể người trưởng thành chỉ mất chừng 40 ngày để biến mất hoàn toàn, mặc dù bình thường sẽ cần đến nhiều tháng, thậm chí hàng năm.

Cư dân Assos cũng đã biết đến điều kỳ lạ của những chiếc quách này từ rất sớm, bằng chứng là họ gọi chúng với cái tên đáng sợ “Sarko fagos” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là quách “ăn thịt”, đúng như những gì diễn ra với cái xác được an táng bên trong.

Những nhà khoa học thì đã bỏ rất nhiều thời gian công sức để cố gắng tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng đáng sợ bên trong quách đá.


Người ta cho rằng xác chết được táng vào trong quách chỉ mất 40 ngày để biến mất hoàn toàn.

Một số nghiên cứu cho rằng trong các ngôi mộ có chứa nhiều vật liệu nhôm, và đó chính là nguyên nhân làm đẩy nhanh quá trình phân hủy xác. Họ đoán rằng có thể những cư dân Assos cổ đại thấy rằng nhôm có thể đốt cháy da nên bỏ thêm vật liệu này vào bên trong quách để giúp cho xác nhanh phân hủy.

Tuy nhiên hiện tất cả vẫn chỉ là đồn đoán, giới khoa học vẫn gần như mù tịt về nguyên nhân của hiện tượng bí ẩn có một không hai này. Rất nhiều người hiện đang tiếp tục bỏ công sức ra nghiên cứu nhằm đưa ra lời giải đáp.

Giới chức địa phương thì nhanh chóng nhận ra cơ hội để biến thị trấn nhỏ bé của mình thành một địa điểm tham quan thu hút những người tò mò từ khắp nơi trên thế giới. Còn những chiếc quách đáng sợ, chúng vẫn im lìm như thách thức trí tuệ của con người.
 
 


* Cuộc hồi hương vĩ đại trong lịch sử...

20:26 |
Năm nay có khoảng 10 triệu cá hồi đỏ di cư từ khắp các đại dương về sông Adams thuộc tỉnh British Columbia (Canada), tạo nên cảnh tượng vô cùng thú vị.

Đến hẹn lại lên, cứ 4 năm một lần, hàng triệu cá hồi đỏ lại từ khắp đại dương trở về sông Adams , nơi chúng được sinh ra từ 4 năm trước.

Hàng chục ngàn người đã đổ về những khu vực ven sông Adams để chứng kiến cuộc di cư lịch sử của loài cá có tập tính kỳ lạ và bí ẩn nhất thế giới này, đó là cá hồi đỏ.

Cuộc di cư của cá hồi đỏ năm 2014 dù mới bắt đầu, nhưng được cho là lớn nhất trong vòng 100 năm trở lại đây.

Trước đó, năm 2010 cũng được cho là năm lượng cá hồi đổ về sông Adams lớn nhất trong vòng 100 năm, bởi có đến 8 triệu cá hồi tìm về.

Theo tính toán của các nhà khoa học, mấy năm nay môi trường sống của cá hồi đỏ được chính quyền bảo đảm, nên dự kiến sẽ có khoảng 10 triệu con di cư từ biển vào sông Adams.

Đây sẽ là cuộc di cư lớn nhất kể từ năm 1913, năm được cho là có cả chục triệu cá hồi đỏ trở về nơi chúng sinh ra.

Cá hồi đỏ là loài sống ở các loại môi trường nước, gồm cả nước ngọt, nước lợ và nước mặn.

Chúng rục rịch kéo vào sông Adams từ tháng 8 và bắt đầu sinh sản nhiều nhất vào tháng 10 trên chính dòng sông này.

Cá hồi đỏ sẽ lớn lên ở sông Adams đến khi được 1 năm tuổi. Chúng sẽ ra vùng nước lợ ở cửa sông làm quen môi trường có độ mặn thấp, rồi tiến ra biển sống 3 năm liền.

4 năm sau kể từ ngày còn trong quả trứng li ti khi được mẹ sinh ra, cá hồi sẽ quay về đúng nơi mẹ chúng đau đẻ, để tiếp tục làm thiên chức bảo tồn giống nòi.

Khi vào vùng nước ngọt của sông Adams, cơ thể cá hồi dần chuyển sang màu đỏ tươi.

Còn nhiều tranh cãi, nhưng phần lớn các nhà khoa học đều cho rằng, cá hồi định hướng di chuyển bằng mùi. Chúng nhớ được mùi của dòng sông nơi chúng sinh ra nên tìm đường về rất chính xác.

Quãng đường di chuyển hồi hương của chúng dài tới 500 km trong điều kiện nước chảy xiết, đúng với hành trình mà chúng ra đi.

Trong quá trình di chuyển, cá hồi đỏ không ăn thứ gì. Đẻ xong, chúng kiệt sức và chết. Cá hồi con sinh ra và lại bắt đầu một hành trình kéo dài 4 năm như thế.

Theo ước tính, mỗi năm, ngư dân Canada đánh bắt khoảng 15 triệu con cá hồi đỏ làm thực phẩm.

Số cá hồi còn sót lại, khoảng 8-10 triệu con, trong đó có một nửa là cá cái sẽ di cư về sông Adams để sinh sản và chết đi.

Theo VTC.vn